Doanh nghiệp thang máy Việt “loay hoay” tìm hướng đi

22/03/2024

Hơn 20 năm thâm niên trong ngành thang máy Việt Nam, tôi luôn nhận định rằng ngành này có tiềm năng và khả năng phát triển rất lớn. Nhưng ngẫm lại thì phát triển như thế nào và phát triển đến đâu thì lại là một vấn đề lớn. Tại sao lại như thế?

Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần điểm qua một chút về bức tranh ngành thang máy của thế giới và Việt Nam.

Có thể nói rằng thang máy là ngành trì trệ nhất trong tất cả các lĩnh vực của thời đại 4.0 hiện nay. Công nghệ, mô hình quản lý, chiến lược kinh doanh,… của các doanh nghiệp cơ bản là giống nhau và cũng không khác mấy so với 20 năm trước.

Do vậy, các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau có lẽ chỉ dựa trên một chiến lược duy nhất, là giá. Và cũng chính cuộc chiến này đẩy các doanh nghiệp lao vào cuộc chiến khốc liệt với lợi nhuận ít ỏi. Chi phí dành cho nghiên cứu không phải để khách hàng an toàn hơn mà chỉ tìm cách để người sử dụng phụ thuộc hơn, phải chi trả cho họ nhiều hơn trong quá trình sử dụng.

Đại dịch COVID, rồi chiến tranh Nga – Ukraine, rồi khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc – nơi là thị trường lớn nhất của tất cả các hãng thang máy, những sự kiện này đã trở thành chiếc thòng lọng thắt chặt các doanh nghiệp thang máy vào bế tắc.

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc có tác động lớn đến các doanh nghiệp thang máy toàn cầu

Cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc có tác động lớn đến các doanh nghiệp thang máy toàn cầu

Đây là tình hình và bối cảnh quốc tế, còn Việt Nam thì sao? Xu hướng và tình hình đã đổi mới nhưng tư duy và thói quen của chúng ta vẫn còn rất cũ.

Người Việt vẫn nghĩ rằng doanh nghiệp thang máy vẫn sản xuất mọi thứ, họ vẫn say mê với các khu vực G7, châu Âu, Thái Lan, Malaysia,… lâu nay họ tin tưởng. Tuy nhiên, trong xu hướng toàn cầu hóa này, ai dại gì mà đi sản xuất ở những nơi có chi phí vô cùng đắt đỏ như vậy? Nào là chi phí nhân công, mặt bằng, vận chuyển,…

Chúng ta đã không biết rằng các linh kiện ray, cáp, máy kéo,… được sản xuất đa số ở Trung Quốc. OEMs đã trở thành một khái niệm phổ biến, các công ty toàn cầu họ đã hạn chế sản xuất ở mức thấp nhất và thay vào đó đặt hàng máy kéo, tủ điện,… từ các nhà sản xuất phụ trợ khủng lồ nằm ở Trung Quốc.

Nếu bạn làm trong ngành và đến tham quan các nhà máy sản xuất máy kéo, tủ điện, ray, cáp,… tại Trung Quốc như máy kéo Torin, máy kéo KDS, máy kéo Mona, tủ điện Monarch, tủ điện STEP, ray Marazzi, ray Savera, cáp Wuxi Tongyong, cáp Tianjin Gaosheng,… thì bạn sẽ thấy, ở góc này là máy kéo của hãng tên tuổi này, góc kia là ray của hãng tên tuổi khác…

Toàn cầu hóa chính là như vậy. Họ không sai, vấn đề là nhận thức và yêu cầu của chúng ta không còn phù hợp với thời đại nên mới cho là họ đang “dối trá”. Trong khi đó chúng ta lại mặc nhiên sử dụng chiếc iPhone (Mỹ) được sản xuất 100% ở Trung Quốc lại không mảy may suy nghĩ gì.

Nhưng nguy hiểm hơn, chính những nhận thức này lại đang nhấn chìm lối ra và cơ hội của doanh nghiệp Việt.

Để ngành thang máy Việt Nam phát triển, rất cần hệ sinh thái của các doanh nghiệp phụ trợ Việt hỗ trợ

Để ngành thang máy Việt Nam phát triển, rất cần hệ sinh thái của các doanh nghiệp phụ trợ Việt hỗ trợ

(Ảnh: Triển lãm Vietnam Elevator Expo 2023 diễn ra tại TPHCM)

Mua sắm công đòi hỏi thang máy nhập khẩu nguyên chiếc nhưng chính họ chưa từng được chứng kiến các doanh nghiệp thang máy hiện nay kể cả ở châu Âu cũng đang làm những công việc giống doanh nghiệp Việt: sản xuất một số và mua những phần còn lại để lắp ghép thành một chiếc thang máy hoàn chỉnh. Mua và yêu cầu theo cảm tính trong khi đó các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật và thử nghiệm thì không mấy khi được nhắc đến…

Vậy là nguồn ngân sách đầu tư công rất lớn đáng lẽ “kích thích” tạo vòng tuần hoàn sản xuất, kinh doanh trong nước phát triển thì hóa ra thứ duy nhất mà Việt Nam được hưởng lợi lại là “chút đồng lương ít ỏi” của công nhân lắp đặt, bảo trì.

Vấn đề thuộc về nhận thức hay là “động cơ” khác của người thực hiện mua sắm công thì có lẽ còn phải bàn tiếp ở nhiều diễn đàn khác.

Người tiêu dùng là cá nhân thì thực tế hơn vì tiền của họ nên họ đã “chấp nhận” hàng lắp ráp trong nước nhưng yêu cầu máy kéo, tủ điện điều khiển,… sản xuất từ G7 hoặc một số nước “tin cậy hơn Trung Quốc”. Điều này đã làm khó cho chính họ và cả doanh nghiệp Việt. Đó là họ phải chấp nhận mua những sản phẩm đi vòng qua các nước “tin cậy” với chi phí cao hơn, đồng thời đẩy doanh nghiệp Việt Nam vào còn đường phải làm những việc mà họ “không muốn làm”.

Nhưng rồi trước áp lực chung của thị trường và sự sinh tồn của bản thân doanh nghiệp. Họ đành chiều ý khách hàng để gắn lên sản phẩm những xuất xứ “tin tưởng” mà khách hàng mong muốn. Điều này đã giải quyết được “bài toán tinh thần” của người tiêu dùng và “bát cơm manh áo” của doanh nghiệp. Dẫu rằng một phần ngoại tệ không nhỏ của chúng ta lại bị chảy vào những quốc gia có hình ảnh được người dùng “tin tưởng” mà bản chất không gia tăng được chút nào về chất lượng.

Nhưng nếu cứ như vậy thì rồi chúng ta sẽ đi đến đâu, đi về đâu vì thương hiệu doanh nghiệp Việt cứ phải “gửi thân” như vậy?

Chuyện không còn cũ nhưng vấn đề là rất gấp, rất nóng. Có lẽ chúng ta cần nhiều hơn là kêu gọi “đạo đức kinh doanh”, kêu gọi tinh thần “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” hay kêu gọi vai trò Nhà nước phải vào cuộc hỗ trợ…

Nhưng trước hết, đã đến lúc Hiệp hội Thang máy Việt Nam cần quy tụ doanh nghiệp Việt lại để xuất bản “cuốn sách trắng” của ngành để mọi người hiểu và cùng nhau thoát khỏi “vũng bùn” của nhận thức này.

Theo: Tapchithangmay.vn

Đánh giá bài viết

Đăng ký dùng thử sản phẩm

2 + 15 =